11. Trẻ mười tháng tuổi Sự vận động của bé dễ dàng hơn trước nhiều: ngồi quay bên nọ, bên kia... chuyển tư thế từ ngồi sang nằm, biết đi men. Bé nhặt được các đồ vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ - đây là bước tiến quan trọng của bé. Bé biết nhiều thứ: giơ tay, giơ chân để mặc quần áo, để mẹ bế... Biết giơ tay chào, bai - bai... Biết vỗ (ru) búp bê, gấu bông. Bé cũng đã nhận diện được ông bà, bố hoặc anh, chị của mình. Biết quay đầu tìm đồ vật quen thuộc khi được nghe câu hỏi "ở đâu". Ví dụ: đồng hồ ở đâu? Ngay từ khi bé bắt đầu tập bò, tập ngồi, tập đứng, tức là khi bé tự di chuyển được, thì bé đã phát hiện ra nhiều điều mới. Bé sẽ sờ mó, vứt lung tung mọi thứ, cũng như bé sẽ nhặt tất cả những gì bé bắt gặp và cho chúng vào miệng. Vì vậy bạn cần phải cẩn thận, đừng để các chất độc hại, nguy hiểm (như dây điện, bếp, đinh, kim, hột, hạt nhỏ, thuốc...) trong tầm tay với của bé. Hãy luôn tạo điều kiện để bé được hoạt động tích cực: được vận động - trườn, bò, tập vịn, tập đứng, đi men, được chơi với các đồ chơi, đồ vật, dù là mùa đông hay mùa hè, đừng nên ngăn cấm bé hoạt động. Và bạn cũng đừng quên phải thường xuyên trò chuyện với bé, giải thích cặn kẽ những công việc bạn đang tiến hành với bé. Ví dụ nói với bé: "Đến giờ ăn rồi! Con phải đeo yếm, ngồi vào ghế và ăn bột nào". Dạy bé phát âm theo bạn một số từ. Khi trò chuyện với bé, bạn cần phải nói thong thả, rõ ràng và dùng câu đơn giản, chính xác giúp cho bé dễ hiểu và dễ bắt chước. Cho bé chơi các dồ vật có âm thanh, màu sắc rực rỡ và có hình dạng rõ ràng. Dạy bé xếp chồng 2-3 khối gỗ lên nhau. Ở độ tuổi này, bé khá nhạy cảm với các tiết tấu âm nhạc, vì vậy bạn nên thường xuyên cho bé nghe các bài hát, bản nhạc có tiết tấu âm nhạc rõ ràng qua ti vi. 12. Trẻ mười một tháng tuổi Bé hoàn toàn vận động dễ dàng khi ngồi, bò đến những nơi bé muốn, bé tiếp tục tập vịn đứng lên và đi men. Bé thích cầm các đồ vật đưa cho mẹ và những người thân; bé thích những trò chơi như "vỗ tay bà cho ăn bánh, không vỗ tay bà đánh lên đầu"... Bé bắt đầu nói đượ một số từ có nghĩa. Bé có thể chỉ các hình trong tranh cho bạn xem, nhưng sự tập trung chú ý của bé không lâu. Bé thích chơi đi chơi lại trò chơi quẳng đồ chơi xuống đất rồi gọi mẹ lấy. Bé bắt đầu hiểu "ở trong" và "ở ngoài", "ở đây" và "ở đằng kia". Bạn nên có các vật nhỏ (mẩu bánh mì, miếng bánh quy,...) để bé tập nhặt bằng ngón tay cái và một ngón khác. Thỉnh thoảng, bạn và những người trong gia đình nên chơi với bé, như chơi ú òa, tìm đồ vật bị giấu, chơi lăn bóng với bé (hai mẹ con ngồi đối diện, hai chân hơi dạng ra và lăn bóng cho nhau)... Bạn cũng đừng quên thường xuyên trò chuyện, giải thích mọi việc với bé bằng những câu nói đơn giản, rõ ràng. Bạn không nên lặp lại các câu nói sai, ngọng nghịu của bé như "coong khoong ăng" mà hãy nói lại cho bé nghe câu nói đúng là "con không ăn"... Bé đã có thể "xem" sách được rồi. Bạn hãy cũng bé xem những quyển sách có in tranh minh họa to, rõ ràng. Hằng ngày dạy bé tập đi, bạn dắt bé bằng hai tay, rồi đến lấy đồ chơi, quà bánh... bằng một tay. 13. Trẻ mười hai tháng tuổi Bé đã có thể đứng vững một mình và biết đi. Bé đã hiểu được nhiều câu nói của người lớn và do đó cũng thực hiện được nhiều yêu cầu, đề nghị của mọi người. Ví dụ: bé rất thích "biểu diễn" những tiết mục tình cảm theo yêu cầu của bạn: thơm mẹ, yêu mẹ... thích mang các đồ vật, đồ chơi đến cho bạn. Bé đã có thể nói được một vài từ quen thuộc; hiểu được những câu hỏi đơn giản. Ví dụ: Bé có thể quay đàu hoặc chỉ tay về phía đồ vật khi nghe câu hỏi: "Búp bê đâu?"; "Quả bóng đâu?"; "Bố đâu?"... Có thể nhận biết được các hình quen thuộc trong tranh, trong sách. Bạn hãy tiếp tục dạy bé xem tranh (bạn chỉ vào nhân vật trong tranh và nói tên nhân vật đó để bé nói theo). Để luyện tập sự chú ý của bé, bạn hãy kể những câu chuyện thật đơn giản theo các bức tranh mà trẻ nhìn thấy. Ví dụ: với bức tranh con chó, bạn có thể kể: "Đây là con chó Bi, nó sủa gâu gâu..." Bạn làm động tác và tiếng chó sủa vài lần, để bé bắt chước tiếng chó sủa "gâu, gâu" theo bạn. Vẫn tiếp tục dạy bé nhặt các đồ vật nhỏ: bỏ các đồ vật vào hoặc nhặt chúng ra khỏi rổ (hộp). Dạy bé xếp chồng các khối gỗ. Chơi các trò chơi: với bóng (lăn, ném...); với oto (kéo, đẩy...); Bế búp bê đi chơi; mang bát đến cho mẹ... Bạn nên tạo ra các tình huống để bé trả lời bằng lời nói hoặc cử chỉ, hành động. Ví dụ hỏi: "con gà đâu?", "oto đâu?"... Xem thêm: Sự phát triển của trẻ từ 13 - 18 tháng tuổi Comments are closed.
|
AuthorWrite something about yourself. No need to be fancy, just an overview. Archives
October 2020
Categories
All
|